MACD trong chứng khoán là gì?

MACD trong chứng khoán là gì? Đường MACD là một chỉ báo kỹ thuật được sử dụng khá phổ biến và rất hữu ích cho nhà đầu tư. Hiểu về cách sử dụng đường MACD hiệu quả có thể giúp bạn tìm điểm mua và bán chính xác. Hãy cùng tìm hiểu về chỉ báo hữu ích này trong bài viết dưới đây nhé.

Chỉ số MACD là gì

MACD là gì?

Đường MACD (Moving Average Convergence Divergence) là đường trung bình động hội tụ phân kỳ. Được tìm ra vào năm 1979 bởi Gerald Appel, đây là một chỉ báo kỹ thuật được sử dụng phổ biến. Chỉ báo này cho thấy động lượng theo xu hướng của giá cổ phiếu dựa trên mối quan hệ giữa hai đường trung bình động. MACD được tính bằng cách trừ đường trung bình động hàm mũ (EMA) 26 kỳ cho đường EMA 12 kỳ.

Trong cấu tạo của MACD bao gồm đường tín hiệu, đường MACD và histogram.

  • Đường MACD: Hiệu của đường EMA 12 ngày và EMA 26 ngày, thường có màu xanh
  • Đường tín hiệu: Là đường EMA chu kỳ 9 ngày, thường có màu đỏ. Đường tín hiệu hoạt động như một chỉ báo kích hoạt các tín hiệu mua và bán.
  • Histogram: Phần chênh lệch giữa đường MACD và đường tín hiệu tạo thành các cột histogram. Nếu MACD lớn hơn đường tín hiệu, histogram dương và sẽ nằm trên đường cơ sở. Ngược lại, histogram âm và nằm dưới đường cơ sở cho thấy MACD đang bé hơn đường tín hiệu. Cột histogram càng cao biểu thị MACD càng cách xa đường tín hiệu. Khi cột histogram bằng 0, đường MACD cắt đường tín hiệu. Lưu ý hai đường cắt nhau sẽ có độ trễ so với việc histogram bằng 0.

Cách tính MACD

MACD được xác định dựa theo công thức sau:

  • MACD = EMA (12) – EMA (26)

Chỉ báo này được tính bằng cách trừ đường EMA ngắn hạn (12 ngày) cho EMA dài hạn (26 ngày). EMA là một loại đường trung bình động (Moving Average) đặt tỷ trọng cao hơn vào dữ liệu của ngày gần hơn. Ví dụ, cùng là đường trung bình động 12 ngày, đường trung bình động đơn giản (SMA) sẽ áp dụng tỷ trọng bằng nhau cho cả 12 ngày trong kỳ. Nhưng đường EMA sẽ áp dụng tỷ trọng cao nhất với ngày thứ 12 (ngày gần đây nhất), và tỷ trọng thấp hơn cho những ngày xa hơn. Vì vậy, EMA sẽ phản ánh sát hơn những thay đổi của giá gần đây.

MACD sẽ lớn hơn 0 nếu EMA (12) lớn hơn EMA (26). Điều này cho thấy giá trong thời gian ngắn hạn đang có xu hướng tăng so với kỳ dài hạn trước đó. Chỉ báo này cũng có thể âm nếu EMA (12) nhỏ hơn EMA (26). Nó cho thấy gần đây giá có xu hướng giảm so với gian đoạn trước đó.

Ý nghĩa của chỉ báo MACD

Mỗi nhà đầu tư sẽ có phương pháp riêng để sử dụng chỉ báo này. Tuy nhiên, thông thường chỉ báo này được sử dụng vào hai mục đích chính. Đó là xác định xu hướng giá và tìm ra phân kỳ, hội tụ.

Xác định xu hướng giá

Nếu đường MACD cắt với đường tín hiệu từ dưới lên sẽ báo hiệu mức giá tăng. Đây là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư mua vào. Ngược lại, nếu MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống sẽ báo hiệu giá đang trên đà giảm. Lúc này các nhà đầu tư nên vào lệnh bán.

Lưu ý rằng việc 2 đường cắt nhau sẽ có độ trễ so với đà tăng hoặc giảm giá cổ phiếu trên thực tế. Tức là khi giá đã tăng khoảng 1-2 phiên thì đường MACD mới cắt lên trên đường tín hiệu. Có độ trễ là do tất cả các dữ liệu của MACD đều lấy từ giá lịch sử. Vì vậy, một số trader sử dụng histogram thay vì giao cắt của đường tín hiệu. Khi histogram càng gần 0 thì khả năng có sự thay đổi trong xu hướng sẽ càng lớn.

Xác định tính phân kỳ và hội tụ

Thông thường khi giá chứng khoán đi lên thì MACD cũng sẽ có xu hướng đi lên. Ngược lại khi giá đi xuống thì MACD cũng sẽ có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ, đó là khi xảy ra sự phân kỳ hoặc hội tụ.

Phân kỳ giữa đường giá và MACD

Xảy ra khi giá cổ phiếu đi lên nhưng đường MACD lại chuyển động đi xuống. Sự phân kỳ là dấu hiệu cho xu hướng chuyển từ tăng giá sang giảm giá. Lúc này, nhà đầu tư nên cân nhắc việc bán ra cổ phiếu.

Hội tụ giữa đường giá và MACD.

Khi giá cổ phiếu đi xuống nhưng đường MACD lại đi lên, sự hội tụ xảy ra. Đây là dấu hiệu cho thấy giá có thể xu đảo chiều từ giảm sang tăng. Bạn có thể mua vào cổ phiếu sau khi kết hợp xem xét các chỉ báo phân tích kỹ thuật khác.

Kết hợp RSI và MACD

RSI là chỉ số sức mạnh tương đối, cho biết xu hướng giá của thị trường gần đây. Nếu RSI đang lớn hơn 70% tức là thị trường đang ở tình trạng quá mua (overbought). Còn nếu RSI đang dưới 30% thì thị trường đang bị quá bán (oversold).

MACD cho biết tương quan giữa hai đường EMA, trong khi RSI cho thấy sự thay đổi giá, các mức giá cao và thấp gần đây. Hai chỉ báo này thường được sử dụng cùng nhau để cung cấp cho trader bức tranh đầy đủ hơn về thị trường. Chúng ta có thể sử dụng cả RSI và MACD để bổ trợ cho nhau, qua đó góp phần dự đoán xu hướng sắp tới của thị trường một cách chính xác hơn.

Ví dụ, Nếu RSI của cổ phiếu FPT vượt quá mức 70%, đi vào vùng quá mua. Sau đó 1-2 phiên, ta thấy đường MACD cắt xuống đường tín hiệu. Cả hai chỉ báo đều cho thấy giá có thể đảo chiều mạnh mẽ. Và quả thực, sau đó giá cổ phiếu FPT đã đi xuống. Ta cũng có thể áp dụng với trường hợp tìm thời điểm giá đảo chiều tăng. Lúc này, RSI sẽ xuống thấp dưới mức 30%. Nếu như chờ đợi một vài hôm và MACD cắt lên đường tín hiệu, ta có thể chắc chắn về một xu hướng tăng sẽ xảy ra.

Đường MACD là một chỉ báo kỹ thuật phổ biến và đầy sức mạnh. Tuy nhiên, để tăng tính chính xác, bạn nên kết hợp MACD cùng với các chỉ báo kỹ thuật khác. Qua bài viết, hi vọng các bạn sẽ hiểu thêm về cách áp dụng chỉ báo này để tìm điểm mua và bán cổ phiếu