Mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng như thế nào?

Mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng như thế nào? Trong hai quý đầu năm 2022, nguồn cung dầu trên thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bất ổn về địa chính trị, khiến giá dầu cũng như các chế phẩm từ dầu bị đẩy lên mức cao kỷ lục. Tiếp đó, nhu cầu mua vàng như một kênh đầu tư an toàn tăng cao, khiến giá vàng tăng mạnh. Hiện nay, có tương đối ít các tài liệu nghiên cứu mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng, chủ yếu là nghiên cứu mối quan hệ của chúng với nền kinh tế vĩ mô. Vậy giá dầu và giá vàng có phải lúc nào cũng biến động cùng chiều như trong trường hợp trên hay không? Hãy cùng cafehoctap tham khảo bài viết dưới đây.

Mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng như thế nào?
Mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng như thế nào?

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Dầu là đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất. Không có dầu và các chế phẩm từ dầu, máy móc không thể vận hành, phương tiện giao thông không thể hoạt động và cuộc sống hiện đại sẽ bị đình trệ. Giống như các hàng hóa khác, giá dầu bị chi phối bởi quy luật cung – cầu trên thị trường. Ngoài ra, nó còn bị tác động bởi tỷ giá đồng dollar Mỹ.

Cung – cầu dầu trên thị trường

Cầu về dầu

Nếu nhu cầu về dầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế, giá dầu sẽ bị đẩy lên cao và ngược lại khi cung tăng, cầu giảm. Cầu về dầu thường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, đầu cơ và nhu cầu mở rộng sản xuất, thương mại quốc tế.

Vào mùa đông, nhu cầu sử dụng khí đốt và xăng dầu để sưởi ấm ở các quốc gia Châu Âu tăng cao, khiến cho giá dầu lúc này tăng vọt. Hay khi đại dịch Covid 19 xảy ra, do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại của chính phủ nên nhu cầu sử dụng các phương tiện di chuyển như máy bay, ô tô, xe máy giảm đáng kể. Thêm vào đó, hoạt động thương mại quốc tế bị đình trệ khiến cho giá dầu có lúc giảm xuống dưới 0 dollar/thùng.

Nguồn cung dầu

Mặt khác, bất kỳ một yếu tố nào gây gián đoạn nguồn cung ứng dầu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu. Chúng bao gồm chiến tranh, khủng bố, chính sách kiểm soát khai thác và xuất khẩu dầu của quốc gia hay bất ổn chính trị.

Ví dụ như căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn quá trình sản xuất dầu từ một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới là Nga. Bên cạnh đó, việc các nước phương Tây và Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với Nga đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia này khi Nga bị cấm giao dịch bằng các đồng tiền mạnh trên thế giới và bị cắt nguồn tài trợ về tài chính đối với các ngân hàng và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Việc giá dầu tăng cao trên phạm vi toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.

Tỷ giá đồng dollar Mỹ

Dầu thô thường được định giá và giao dịch bằng đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Vì thế, tỷ giá đồng dollar sẽ có tác động trực tiếp đến giá dầu. Chúng thường dao động ngược chiều nhau. Khi giá đồng dollar Mỹ giảm, thu nhập thực tế từ bán dầu và các chế phẩm từ dầu được tính bằng dollar Mỹ sẽ giảm và đương nhiên để ổn định nguồn thu nhập của mình, các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải tăng giá dầu lên theo một tỷ lệ tương ứng. Khi đồng dollar Mỹ tăng giá thì các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ giảm giá dầu xuống nhằm ổn định giá dầu trên thị trường.

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng

Vàng là kim loại hiếm, có tính thanh khoản cao và gần như không bị mất giá khi xảy ra lạm phát. Vì vậy, nó là kênh đầu tư an toàn trong trường hợp xảy ra các biến động kinh tế. Ngoài ra, nó còn được sử dụng như là một công cụ giúp kiềm chế lạm phát. Các quốc gia sẽ có kho dự trữ vàng chiến lược riêng, được quản lý bởi chính phủ hay ngân hàng trung ương.

Cũng giống như dầu, giá vàng bị ảnh hưởng bởi quy luật cung – cầu thị trường và đồng dollar Mỹ. Ngoài ra, nó còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như quỹ giao dịch trao đổi ETF vàng, tác động từ kinh tế – chính trị và tác động của lạm phát, lãi suất ngân hàng trung ương.

Quy luật cung cầu trên thị trường

Kể từ năm 2000, sản lượng khai thác vàng giảm đáng kể do nhu cầu tìm kiếm nguồn vàng chất lượng tăng cao khiến người công nhân phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và sự gia tăng chi phí khai thác. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm kim loại quý này và qua đó, đẩy giá vàng lên cao.

Vàng thường được sử dụng như tài sản lưu trữ và được ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất công nghiệp điện tử và chế tạo trang sức. Theo ước tính, hơn 50% nhu cầu của người mua vàng là để làm trang sức, tập trung nhiều tại Ấn Độ và Trung Quốc. Và nền công nghiệp điện tử cần khoảng 12% trữ lượng vàng để sản xuất máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử,… Nhu cầu đối với vàng ngày càng gia tăng trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến giá vàng tăng đáng kể trong những năm qua.

Quỹ giao dịch trao đổi ETF vàng

Ngoài ra, bán tháo chứng chỉ vàng ồ ạt tại các quỹ giao dịch trao đổi ETF vàng như Quỹ SPDR Gold Shares (GLD) và quỹ iShares Gold Trust (IAU) sẽ làm cung vàng tăng đột biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá vàng trên thị trường. Ví dụ như vào ngày 25/4/2008, SPDR ghi nhận bán ra khoảng 20.5 tấn vàng, đẩy giá vàng xuống mức thấp kỷ lục 900 USD/ounce.

Các loại quỹ ETF vàng kiểu này chưa xuất hiện tại Việt Nam mà chỉ có trên thị trường giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, biến động của chúng cũng có tác động đáng kể đến giá vàng thế giới.

Tỷ giá đồng dollar Mỹ

Giá vàng tỷ lệ nghịch với giá đồng dollar Mỹ. Nghĩa là, nếu đồng USD mất giá thì giá vàng sẽ tăng và ngược lại. Khi giá đồng USD giảm, nền kinh tế có khả năng bước vào thời kỳ khó khăn và kỳ vọng của nhà đầu tư về tình hình kinh tế sẽ giảm theo. Lúc này, họ có xu hướng mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn, khiến cho nhu cầu mua vàng tăng cao đẩy giá vàng lên.

Lãi suất của Ngân hàng Trung Ương

Khi Ngân hàng Trung Ương giảm lãi suất cơ bản, lãi suất của các khoản cho vay cũng giảm theo. Điều này dẫn đến việc người dân ngày càng quan tâm đến các khoản vay, lượng tiền lưu thông trên thị trường gia tăng. Việc cung tiền với giá rẻ sẽ làm suy giảm giá trị đồng nội tệ so với các đơn vị ngoại tệ khác, tỷ lệ lạm phát do đó tăng. Trong thời kỳ lạm phát, nhà đầu tư có xu hướng mua vàng để tích trữ nên đẩy nhu cầu về vàng tăng cao. Do đó, giá vàng cũng tăng theo.

Mặt khác, khi Ngân hàng Trung Ương tăng lãi suất, do xảy ra cạnh tranh giữa những khoản đầu tư có lãi suất lớn hơn như trái phiếu, nhu cầu đầu tư vào những kênh này sẽ tăng. Vàng trở nên kém hấp dẫn và từ đó, giá vàng giảm.

Mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng

Tác động giữa giá dầu và giá vàng không phải lúc nào cũng là trực tiếp mà phải thông qua các yếu tố khác. Khi nền kinh tế phát triển bình thường, giá của hai loại hàng hóa đặc biệt này dao động cùng chiều nhau. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trải qua suy thoái nghiêm trọng, khiến nhu cầu mua dầu giảm sút quá mạnh, giá dầu có thể thoát ly khỏi giá vàng.

Trường hợp biến động ngược chiều

Khi nhu cầu sử dụng dầu thấp mà nguồn cung lại dồi dào, giá dầu sụt giảm đáng kể. Cùng với đó, lợi suất của trái phiếu và lãi suất ngân hàng lao dốc trên phạm vi toàn cầu, gây ra hiện tượng giảm phát. Để giải quyết tình trạng này, ngân hàng trung ương sẽ bơm tiền để kích thích nền kinh tế, khiến nhu cầu về vàng tăng cao trong ngắn hạn. Vì thế, giá vàng tăng. Tuy nhiên, nếu giá dầu ở ngưỡng thấp quá lâu, sẽ tạo ra giảm phát và kéo giá vàng giảm xuống trở lại.

Trường hợp biến động cùng chiều

Khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu tăng cao, đạt ngưỡng kỷ lục kéo theo giá của các loại hàng hóa khác cùng tăng. Tình trạng lạm phát cao được ghi nhận tại nhiều quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và các nước EU. Ngoài ra, Nga là nước sản xuất vàng lớn thứ 3 trên thế giới sau Úc và Trung Quốc. Lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây đối với Nga đã làm gián đoạn nguồn cung vàng toàn cầu. Đối với bất ổn về kinh tế và địa chính trị nhu cầu mua vàng tăng cao khiến giá vàng tăng. Trong trường hợp này, giá dầu tăng khiến giá vàng tăng.

Mặt khác, cả giá dầu thô và giá vàng đều được định giá bằng đồng dollar Mỹ và chúng biến thiên ngược chiều với giá đồng dollar. Vì thế, trong trường hợp xảy ra biến động về giá của đồng USD, giá dầu và giá vàng có mối tương quan thuận chiều nhau.

Tùy từng trường hợp cụ thể, giá dầu có thể dao động cùng chiều hay ngược chiều với giá vàng.

Nguồn https://www.dnse.com.vn/