Giấc ngủ của bé có nghĩa như thế nào đối với sự phát triển?

Giấc ngủ của bé có nghĩa như thế nào đối với sự phát triển? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ của con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Tuy vậy, thời gian ngủ dài hay ngắn không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ mà việc bé ngủ có ngon giấc hay không mới ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ.

Giấc ngủ của bé có nghĩa như thế nào đối với sự phát triển?
Giấc ngủ của bé có nghĩa như thế nào đối với sự phát triển?

Thời gian ngủ đủ của Giấc ngủ của bé

Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Thời gian ngủ mỗi ngày thay đổi theo cơ địa ở mỗi trẻ và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó tuổi của trẻ là quan trọng nhất. Nhu cầu ngủ giảm dần theo độ tuổi của trẻ.

Trẻ sơ sinh 1- 4 tuần tuổi: Mỗi ngày ngủ từ 16-18 giờ, ngủ cả ban ngày và ban đêm, mỗi giấc ngủ kéo dài từ 2 – 4 giờ.

Trẻ từ 1 – 4 tháng tuổi: từ 6 tuần tuổi trở đi, trẻ thường ngủ ít đi một chút, ngủ từ 14 – 15 tiếng mỗi ngày là đủ: Tuy nhiên, mỗi giấc thường lâu hơn, kéo dài từ 4 – 6 tiếng và có xu hướng ngủ nhiều hơn vào buổi tối.

Trẻ từ 4 tháng tới 1 tuổi: ngủ đêm nhiều hơn ngủ ngày và thường có 2 giấc ngủ về ban ngày với tổng số giờ ngủ từ khoảng 14 –15 giờ/ngày. Khi trẻ được 1 tuổi thì giấc ngủ buổi sáng sẽ dần mất đi, và thường chỉ có một giấc ngủ ngắn buổi trưa vào ban ngày. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để tập cho trẻ hình thành một thoái quen ngủ lành mạnh vì lúc này trẻ đã bắt đầu hòa nhập nhiều với xã hội và chu kỳ ngủ bắt đầu giống người lớn.

Trẻ từ 1 – 3 tuổi: ngủ từ 12 – 14 giờ mỗi ngày. Phần lớn trẻ từ 21 – 36 tháng, vẫn cần ngủ trưa và thời gian kéo dài khoảng từ 30 phút tới một giờ. Buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ 7 – 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 6 – 8 giờ sáng.

Trẻ từ 3 – 6 tuổi: ngủ 10 – 12 giờ mỗi ngày. Ở giai đoạn này, buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 7 – 9 giờ tối và dậy khoảng từ 6 – 8 giờ sáng. Từ 3 tuổi trở đi, hầu hết trẻ vẫn còn ngủ trưa, tuy nhiên khi được 5 tuổi thì hầu như không còn ngủ trưa nữa. Thời gian ngủ trưa ngắn sẽ tốt cho trẻ.

Từ 3 tuổi trở đi, phần lớn trẻ đã hình thành được thói quen ngủ của mình.

Trẻ từ 6 – 12 tuổi: cần ngủ 10 – 11 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, trẻ đã có những hoạt động ở trường, xã hội và gia đình, nên buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ trẻ hơn. Buổi tối, chúng thường ngủ bắt đầu ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 7 – 10 giờ sáng. Giai đoạn này, trẻ cần được ngủ đủ từ 9 – 12 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu mỗi ngày trẻ ngủ được trung bình khoảng 9 tiếng thì cũng vừa đủ.

Trẻ từ 12 – 18 tuổi: cần ngủ 8 – 9 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, các em có nhiều hoạt động hơn nên giấc ngủ rất quan trọng để lấy lại sức khỏe. Tuy nhiên, với áp lực học hành, nhiều em đã không ngủ đủ giấc mỗi ngày. Do đó, phụ huynh cần để ý nhiều hơn tới giấc ngủ của các em. Khi 16 tuổi, trẻ chỉ còn ngủ 8 giờ/ngày giống như người lớn.

Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ

Giấc ngủ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển trí não trẻ. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, nghiên cứu cho thấy giấc ngủ có liên quan đến sự tỉnh táo và chú ý của trẻ, hiệu suất nhận thức, tâm trạng, khả năng phục hồi, khả năng thu nhận từ vựng, học tập và trí nhớ. Giấc ngủ cũng có những ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển, đặc biệt là ở thời thơ ấu. Đặc biệt đối với trẻ mới biết đi, giấc ngủ trưa đóng vai trò vô cùng cần thiết trong việc củng cố trí nhớ và phát triển kỹ năng về nhận thức, vận động.

Những vấn đề xảy ra xung quanh trẻ như mọc răng, trẻ bị ốm, hay trẻ ở một nơi khác, thay đổi người chăm sóc mới, thay đổi lịch trình, nhiễm trùng tai…..cũng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

Ngoài những vấn đề trên, khoảng 50% trẻ em bị rối loạn giấc ngủ ở một số thời điểm. Rối loạn giấc ngủ có liên quan mật thiết với sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ. Vấn đề này làm trầm trọng thêm vấn đề kia theo một chu kỳ khó có thể phá vỡ. Bên cạnh đó, một số tình trạng rối loạn giấc ngủ không biểu hiện rõ hoặc phản ánh các tình trạng khác nhau như chứng động kinh dẫn đến sự khó khăn trong quá trình chẩn đoán bệnh.

Một số chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất ở trẻ em là chứng kinh hoàng và ác mộng về đêm, ngưng thở khi ngủ, nói chuyện khi ngủ và mộng du, ngáy và hội chứng chân không yên.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối với thanh thiếu niên và trẻ nhỏ, cần có được giấc ngủ chất lượng để đảm bảo sự phát triển sâu sắc về tinh thần, thể chất, xã hội và cảm xúc.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến các yếu tố như:

  • Tư duy và thành tích học tập

Giấc ngủ có lợi cho não bộ và thúc đẩy sự chú ý, trí nhớ và suy nghĩ phân tích. Nó giúp tư duy trở nên nhạy bén hơn, nhận biết những thông tin quan trọng nhất để củng cố việc học. Giấc ngủ cũng tạo điều kiện cho việc mở rộng suy nghĩ, thúc đẩy sự sáng tạp. Cho dù đó là học để kiểm tra, học một nhạc cụ hay đạt được các kỹ năng công việc, giấc ngủ rất cần thiết đối với trẻ.

Với tầm quan trọng của giấc ngủ đối với chức năng của não, thật dễ hiểu tại sao trẻ em ngủ không đủ giấc có xu hướng bị buồn ngủ quá mức và thiếu sự chú ý. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ.

  • Sức khỏe tinh thần

Ngủ không đủ giấc gây ra cảm giác cáu kỉnh và phản ứng thái quá. Theo thời gian, hậu quả có thể còn lớn hơn đối với những thanh thiếu niên đang thích nghi với sự độc lập, trách nhiệm và các mối quan hệ xã hội mới.

Mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ tình cảm, làm tăng nguy cơ xung đột giữa các cá nhân cũng như làm nghiêm trọng hơn các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Rối loạn sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực có liên quan đến giấc ngủ kém và thiếu ngủ ở trẻ em có thể làm tăng nguy cơ tự tử. Cải thiện giấc ngủ ở trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc giảm các triệu chứng của chúng.

  • Phát triển thể chất

Giấc ngủ góp phần vào chức năng của hầu hết mọi cơ quan của cơ thể. Giấc ngủ giúp tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch, giúp điều chỉnh hormone và cho phép phục hồi cơ và mô.

Sự phát triển thể chất đáng kể xảy ra trong thời kỳ thanh thiếu niên và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do thiếu ngủ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những thanh thiếu niên không ngủ đủ giấc gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Điều này có thể khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường và các vấn đề tim mạch lâu dài.

Giấc ngủ giúp duy trì một cách cân bằng quá trình tiết của một số hormon, bao gồm cả hormon giúp kiểm soát cơn thèm ăn. Do vậy, tình trạng mất ngủ có thể làm tăng cơn thèm ăn gây ra chứng thừa cân và béo phì ở trẻ.

Một giấc ngủ ngon còn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và trẻ ít ốm hơn.

  • Ra quyết định và hành vi

Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thùy trán, một phần của não bộ, đóng vai trò rất quan trọng để kiểm soát hành vi bốc đồng. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ không ngủ đủ giấc có thể phát sinh những hành vi như đi xe đạp không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn. Sử dụng ma túy, rượu, hút thuốc, đánh nhau và mang theo vũ khí cũng được xác định có nguy cơ cao xảy ra đối với những thanh thiếu niên ngủ quá ít.

Các vấn đề về hành vi có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của một đứa trẻ, làm sa sút kết quả học tập cũng như các mối quan hệ của họ với gia đình và bạn bè.

  • Những tai nạn và chấn thương

Ngủ không đủ giấc ở trẻ có thể khiến chúng dễ bị thương tật, thậm chí tử vong. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thiếu ngủ có thể làm giảm thời gian phản ứng với tác động tương tự như việc uống rượu ở người lớn vậy.

Cách giúp con ngủ ngon

Giấc ngủ cần thay đổi khi con bạn lớn lên, nhưng cho dù là trẻ vẫn còn nhỏ hay đã trưởng thành thì việc thực hiện cho trẻ ngủ đúng giờ rất hữu ích để đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc. Hãy cố gắng thực hiện những hoạt động giống nhau mỗi ngày theo trình tự giống nhau để trẻ biết điều gì sẽ xảy ra.

Một thói quen trước khi đi ngủ điển hình có thể bao gồm:

  • Tắt máy tính, tivi và các đèn sáng khác
  • Mặc đồ ngủ và đánh răng
  • Đọc một cuốn sách, hát một bài hát ru hoặc cho trẻ tắm nước ấm
  • Đưa trẻ vật dụng ( chăn) hoặc thú nhồi bông mà trẻ yêu thích

Thời điểm tốt nhất để đưa con đi ngủ là khi con buồn ngủ, chứ không phải khi con đã ngủ. Điều này giúp con học cách tự đi vào giấc ngủ. Nếu trẻ mẫu giáo thức dậy vào lúc nửa đêm, hãy đưa trẻ trở lại giường. Tốt nhất không nên để trẻ sơ sinh ngủ trên giường cùng bố mẹ, vì ngủ chung sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Để giúp con ngủ ngon, cần lưu ý:

Thói quen ban ngày cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Bạn có thể giấc ngủ thoải mái ở trẻ bằng cách tuân theo các quy tắc cơ bản:

  • Sắp xếp lịch trình cân đối với thời gian nghỉ ngơi và vui chơi xen kẽ
  • Không mở máy tính, tivi trong phòng ngủ, ngay cả ban ngày
  • Thực hiện chế độ ăn hợp lý
  • Tạo không gian ngủ luôn thoáng mát
  • Sử dụng rèm tối màu để cản ánh sáng hoặc đèn ngủ nếu trẻ sợ bóng tối
  • Giữ phòng ngủ yên tĩnh hoặc sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng để che bớt âm thanh bên ngoài
  • Tránh cafein, tránh cho trẻ ăn quá nhiều và đồ ăn có đường trước khi đi ngủ, chọn một bữa ăn nhẹ lành mạnh trước khi đi ngủ nếu cần thiết

Việc cho trẻ tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng, nhưng đừng khiến trẻ mệt mỏi vì những hoạt động này để trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm.

Trên đây là tổng quát kiến thức về giấc ngủ của trẻ em có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần mà mỗi bậc phụ huynh cần lưu ý để đảm bảo giờ giấc ngủ của con em mình được đúng và hợp lý với cách sinh hoạt từng gia đình.